Địa lý khí hậu Australia
Địa lý khí hậu Australia
Địa lý khí hậu Australia
Tổng quan
Nước Úc có tên chính thức là Liên Bang Australia, nằm phía Nam bán cầu với diện tích đất liền khoảng 7.74 triệu km2, là quốc gia lớn thứ 6 trên thế giới và lớn nhất khu vực châu Úc – Á, duy nhất nằm hoàn toàn trên một lục địa. Chiều dài từ đông sang tây khoảng 4.000km và từ bắc xuống nam là 3.200km. Do đặc thù về vị trí địa lý, nước Úc được ưu đãi cảnh quan thiên nhiên hết sức đa dạng và phong phú.
Các nước láng giềng của Úc gồm có New Zealand về phía Đông Nam; Indonesia, Đông Timor và Papua New Guinea về phía Bắc; Quần đảo Solomon, Vanuatu và New Caledonia về phía Đông Bắc.
Nước Úc bao gồm 6 bang : New South Wales, Victoria, Tasmania, Nam Úc, Queensland, Tây Úc và 2 vùng lãnh thổ : Lãnh Thổ phía Bắc nước Úc và Lãnh Thổ Thủ Đô nước Úc. Úc cũng có một số vùng lãnh thổ bên ngoài có cư dân sinh sống (đảo Norfolk, đảo Christmas, quần đảo Cocos và Keeling) và một số vùng lãnh thổ rộng lớn bên ngoài và không có người sinh sống: Quần đảo Biển San Hô (Coral Sea Islands Territory), quần đảo Heard và McDonald và Lãnh thổ Nam cực thuộc Úc. Ở hầu hết khía cạnh, chức năng của vùng lãnh thổ giống như của bang nhưng Quốc hội liên bang có thể tước bỏ quyền lập pháp của nghị viện lãnh thổ. Mỗi bang của Úc thì lại có một thủ phủ riêng.
Lãnh thổ thủ đô Canberra (ACT)
Lãnh Thổ Thủ Đô nằm về hướng đông nam Tiểu Bang New South Wales, có diện tích 2.366 km2 với những dãy núi xanh xám gồ ghề phía tây nam và Thủ Đô Canberra nằm ngay ở góc đông bắc. Những rặng núi hùng vĩ, những cánh rừng và những dòng sông nguyên sơ cùng những hố nước ở Công Viên Quốc Gia Namadgi chiếm 40% diện tích khu vực Lãnh Thổ Thủ Đô.
Việc thành lập Canberra là giải pháp thoả hiệp giữa 2 thành phố lớn nhất,Melbourne và Sydney, khi chọn thủ đô. Cái tên ‘Canberra’ được lấy từ tiếng thổ dân Ngunnawal, có nghĩa là “nơi gặp mặt”. Lãnh thổ ACT cũng kết hợp với một vùng lãnh thổ riêng biệt nằm trong New South Wales gọi là Lãnh thổ vịnh Jervis (Jervis Bay Territory) đóng vai trò là căn cứ hải quân và cảng biển cho thủ đô.
Vào mùa hè, khí hậu ở ACT ấm và nóng mặc dù nhiệt độ hiếm khi lên đến 40oC. Mùa đông ban ngày khí hậu lạnh, thỉnh thoảng có lúc nắng đẹp, gió nhẹ và buổi sáng sớm thường có sương mù. Những đêm đông tháng Bảy, nhiệt độ xuống khoảng 0oC. Thủ Đô Canberra có nhiều nắng ấm với lượng mưa trung bình hàng năm 630mm hầu như tập trung ở khu vực phía tây vùng lãnh thổ. Khu vực thủ đô hiếm khi có tuyết rơi, mỗi năm nhiều lắm chỉ hai lần nhưng ở các rặng núi.
Lãnh Thổ Bắc Úc (NT) & Darwin
Lãnh thổ này có 80% diện tích thuộc vùng nhiệt đới nhưng chỉ có 25% phần đất phía bắc, còn được gọi là vùng Top End (Ðỉnh Cuối), là vùng có những đặc tính của vùng khí hậu nhiệt đới. Ðây là một vùng rừng hoang mạc và các mảng rừng nhiệt đới riêng biệt. Hầu hết 75% phần đất còn lại ở phía nam Lãnh Thổ Bắc Úc là sa mạc và đồng bằng khô cằn.Vì vậy mặc dù có diện tích hơn 1.349.129 km2, lớn thứ 3 Úc, nhưng dân cư trong vùng lãnh thổ rất thưa thớt. Với dân số 215.000 người, đây là vùng có dân số thấp nhất Úc.
Giống như những vùng đất ở miền cực bắc nước Úc (thuộc tiểu bang Tây Úc và Queensland), khí hậu của vùng Top End được mô tả bằng hai mùa Khô và Mưa. Nhiệt độ quanh năm cao nhất khoảng 30oC đến 34oC và thấp nhất khoảng 19°C đến 26°C. Ở vùng trung tâm, nhiệt độ trong năm thay đổi khá nhiều: nhiệt độ những đêm đông lạnh dưới 0oC và những ngày hè nóng hơn 40°C. Thời gian thoải mái nhất để ghé thăm cả hai vùng trung tâm và Top End là khoảng tháng Sáu và tháng Bảy mặc dù vùng trung tâm khí hậu đã trở nên dễ chịu từ khoảng tháng Tư. Vùng Top End (gồm cả Darwin) có những điểm hay trong mùa Mưa – mọi thứ đều xanh tốt, có những cảnh sấm sét mỹ lệ và tương đối không có nhiều du khách. Tuy nhiên, sự kết hợp của nhiệt độ và độ ẩm cao có thể vượt quá sức chịu đựng của du khách và một số công viên quốc gia có thể đóng cửa một phần hoặc đóng hoàn toàn.
Bang New South Wales (NSW) & Sydney
NSW là bang đông dân nhất của Úc, nằm ở phía đông nam nước Úc. Dân cư của New South Wales được gọi là New South Welshman hoặc Cornstalk(tiếng lóng). Thành phố lớn nhất của New South Wales và cũng là thủ phủ là Sydney.
NSW có thể được tạm chia thành bốn vùng: vùng duyên hải; vùng núi Great Dividing Range nằm sâu trong đất liền cách bờ biển khoảng 100km, vùng núi Blue Mountains nằm về phía tây Sydney; và vùng núi Snowy Mountains ở miền nam. Phía tây dãy Great Dividing Range là vùng đất nông nghiệp: các vùng đồng bằng khô ráo chiếm 2/3 diện tích tiểu bang. Các vùng đồng bằng chạy dần vào đất liền về hướng tây nơi nhiệt độ có khi vượt hơn 40ºC. Các dòng sông chính ở NSW là Murray và Darling chạy về hướng tây băng qua các đồng bằng. Vào mùa đông, dãy núi Snowy Mountains (tạm dịch dãy Tuyết Sơn) thật sự phản ánh tên gọi của chúng.
Sydney được thiên nhiên ưu đãi với một khí hậu ôn hòa, nhiệt độ về đêm hiếm khi xuống thấp hơn 10oC, nhiệt độ trung bình vào mùa hè khoảng 25oC. Nhiệt độ mùa hè có khi lên đến 40oC và độ ẩm cao gây ngột ngạt nhưng các trận mưa to thường giúp giảm thấp nhiệt độ trong khoảng thời gian giữa tháng Mười và tháng Ba. Khí hậu mùa đông thường mát hơn lạnh. Tiết trời đẹp nhất vào khoảng tháng Ba – tháng Tư và tháng Mười – tháng Mười Một, ban ngày trời ấm và quang đãng, ban đêm mát mẻ…
Bang Victoria (VIC) & Melbourne
Victoria là một tiểu bang nằm tại góc đông nam của Úc. Tuy là tiểu bang nhỏ nhất về diện tích, Victoria có dân số cao nhất Úc. Thủ đô của Victoria là Melbourne, nơi tập trung hơn 70% dân số của tiểu bang.
Victoria có khí hậu bốn mùa mặc dù sự tương phản rõ nét giữa các mùa thường bị mờ đi bởi thời tiết bất thường. Victoria có ba vùng khí hậu: miền nam và các vùng duyên hải, khu vực núi non và và khu vực miền bắc và tây rặng Great Dividing Range. Khí hậu ở Melbourne nổi tiếng với các đặc điểm bất thường, ẩm ướt, gió nhiều và cực nóng hoặc cực lạnh trong cùng một ngày tuy nhiên lượng mưa ở Melbourne chỉ bằng phân nửa lượng mưa đổ xuống Sydney hoặc Brisbane. Mặt tích cực của Melbourne là thời tiết hiếm khi giá lạnh – nhiệt độ trung bình vào mùa đông nằm trong khoảng 6°C đến 13°C. Trong năm, nhiệt độ thỉnh thoảng vượt quá 35°C. Vào mùa đông, các đỉnh núi cao có tuyết rơi, điểm gần Melbourne nhất là núi Mt Donna Buang.
Bang Tasmania (TAS) & Hobart
Tasmania là một đảo của Úc và cũng là bang cùng tên. Bang nằm khoảng 240 km (150 dặm) phía nam của phần đông của lục địa Úc, cách lục địa bởi eo biển Bass. Bang Tasmania bao gồm đảo Tasmania, và các đảo xung quanh khác.
Dân số Tasmania tập trung vào các vùng duyên hải phía bắc và đông nam nơi có những vùng đất nông nghiệp trù phú và có thể dễ dàng tiếp cận vùng bờ biển hấp dẫn. Ngược lại ở khu vực duyên hải miền tây và tây nam thì hoang sơ và hẻo lánh. Bờ biển phía tây có vũ lượng cao và biển động hầu như quanh năm. Nằm sâu trong đất liền về hướng tây và tây nam là những khu rừng rậm và núi non được coi là những khu vực hoang dã lớn cuối cùng trên thế giới. Hầu hết những nơi này đã được liệt vào danh sách khu vực Di Sản Thế Giới.
Tasmania (và Hobart) có bốn mùa rõ rệt mặc dù các cơn bão có thể tạo ra tình trạng thời tiết giống như mùa đông vào bất kỳ thời gian nào trong năm. Vào những ngày hè, thời tiết ban ngày nói chung ấm nhiều hơn nóng và mát mẻ về đêm. Ðiều kiện thời tiết tốt thường kéo dài đến tháng Ba trước khi trời chuyển lạnh. Thời gian còn lại của mùa thu nói chung mát mẻ, trời quang đãng và thỉnh thoảng có sương mù về đêm. Mùa đông ở Tasmania thì ẩm ướt, lạnh và có bão tố nhất là ở khu vực phía tây. Trên các đỉnh núi cao có tuyết phủ nhưng thường ở độ dày vừa đủ để hai khu nghỉ mát trượt tuyết của tiểu bang hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định. Mùa xuân nhiều gió và các cơn bão vẫn đổ bộ vào đất liền nhưng vào những khi không có gió bão, trời quang đãng và thời tiết ấm dần.
Bang Queensland (QLD) & Brisbane
Queensland chịu sự chi phối của vùng ven biển và chẳng có gì ngạc nhiên để nhận ra rằng những người đến đây lập nghiệp cũng như những thắng cảnh du lịch đều tập trung ở dải bờ biển hẹp này, nơi có những cảnh quan thiên nhiên mỹ lệ như vùng biển san hô Great Barrier Reef và những khu rừng nhiệt đới xanh tốt. Nằm trong đất liền là dãy Great Dividing Range và vùng cao nguyên, những vùng đất nông nghiệp trù phú trải về hướng tây và tiếp theo là vùng đất cằn cỗi kéo dài đến Lãnh Thổ Bắc Úc. Nằm xa hơn về hướng bắc thuộc vùng vịnh Gulf Country và mũi Cape York Peninsula là những khu vực hoang vu với vô số sông ngòi khô cạn nhưng sẽ tràn đầy nước vào mùa mưa.
Khí hậu vùng Bắc Queensland nghiêng về nóng và mưa hoặc mát và khô thay vì thể hiện rõ nét mùa hè và mùa đông. Trong khoảng thời gian sáu tháng từ tháng Mười Một/Mười Hai đến tháng Tư/Năm thời tiết nóng hơn và mưa nhiều hơn trong lúc mùa mưa thực sự và cũng là mùa giông bão, đặc biệt ảnh hưởng đến các vùng duyên hải phía bắc, là từ tháng Giêng đến tháng Ba. Queensland thật sự không có ‘mùa lạnh’ ngoại trừ khu vực nằm sâu trong nội địa và vùng cao vào buổi tối trong khoảng từ tháng Năm đến tháng Chín. Nhiệt độ ở Brisbane, khu vực phía nam tiểu bang, hiếm khi thấp hơn 20°C và trong lúc khu vực này không bị ảnh hưởng bởi độ ẩm khó chịu thì khí hậu của khu vực nằm về hướng bắc vẫn dễ chịu nhất vào mùa đông (tháng Sáu đến tháng Tám).
Nam Úc (SA) & Adelaide
SA là một tiểu bang dân cư thưa thớt, hơn 80% dân số sống tập trung ở Adelaide và một số vùng nông thôn chính. Các khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung ở hướng nam và trong khu vực vành đai cấp nước của sông Murray River. Nằm xa hơn về hướng bắc hoặc sâu vào hướng tây, đất đai dần trở nên cằn cỗi và khó ở hơn; khu vực xa xôi hẻo lánh (outback), chiếm hơn 75% diện tích tiểu bang, hầu như là vùng đất bán sa mạc. Nguồn cung cấp nước quan trọng nhất tiểu bang là dòng Murray River bắt nguồn từ dãy núi Australian Alp và đổ ra biển tại hồ Lake Alexandrina. SA là tiểu bang khô ráo nhất nước Úc.
Nam Úc có khí hậu Ðịa Trung Hải: mùa hè nóng và khô, mùa đông mát mẻ, vũ lượng chủ yếu tập trung trong khoảng giữa tháng Năm và tháng Tám. Nhiệt là nhân tố chính trong vùng khí hậu khắc nghiệt. Ở các vùng xa xôi hẻo lánh, nhiệt độ mỗi ngày lên đến 38oC là chuyện bình thường trong khoảng thời gian từ tháng Mười đến tháng Tư. Vào mùa hè, thời tiết ở Adelaide cũng có thể rất nóng và rất khó chịu nếu không có hồ bơi hoặc máy điều hòa không khí. Mùa xuân và mùa thu là khoảng thời gian dễ chịu nhất trong năm trong lúc mùa đông thì hơi lạnh và ẩm ướt.
Tây Úc (WA) & Perth
WA là tiểu bang rộng nhất nước Úc, chiếm một phần ba diện tích của cả nước và có nhiều phong cảnh ngoạn mục khác nhau như Kimberly, một vùng đất hoang vu và gồ ghề ở miền cực bắc tiểu bang với một bờ biển ngoằn ngoèo và các vực núi sâu thật ấn tượng trong nội địa; hoặc như Pilbara, ở vùng tây bắc, là vùng đất đá cổ xưa và vực núi sâu hùng vĩ. Ngoài vùng ven biển, hầu hết đất đai nằm sâu trong nội địa là những vùng đất hoang vu xa xôi hẻo lánh: dọc theo vùng đất rộng lớn bằng phẳng Nullarbor Plain và sa mạc cát Great Sandy Desert là hai sa mạc Gibson và Great Victoria Desert, chiếm gần hết diện tích tiểu bang. Góc tây nam, một phần nhỏ của tiểu bang, là những cánh rừng và những cánh đồng nho trù mật.
Hướng bắc tiểu bang Tây Úc có khí hậu nhiệt đới, mùa đông và mùa hè được thay thế bởi mùa khô và mùa mưa. Cảng Port Headland là nơi chịu đựng ít nhất một cơn bão mỗi hai năm. Khí hậu ở khu vực nằm sâu trong đất liền thay đổi từ bán khô khan đến khô khan. Vùng tây nam WA có khí hậu ôn đới: nhiệt độ thường trên 25oC trong khi nhiệt độ trung bình dọc theo bờ biển Kimberly là 28oC. Ở khu vực Pilbara, nhiệt độ có khi lên đến 48oC. Thủ phủ Pert có mùa hè dài, nóng và ít mưa. Nhiệt độ trung bình vào khoảng 30°C đặc biệt trong khoảng tháng Giêng và tháng Hai. Gió từ ngoài biển thổi vào, thường được gọi là ‘Fremantle Doctor’, làm thành phố mát lại. Mùa đông khí hậu mát và mưa. Nhiệt độ trung bình khoảng 18°C.