Những lỗi cần tránh khi làm hồ sơ du học Úc
Việc tự làm một bộ hồ sơ hoàn chỉnh để du học Úc là điều mà bạn nào cũng mong muốn. Thứ nhất là bản thân có thể chăm chút cho hồ sơ hoàn thiện hơn, đẹp hơn. Thứ hai giảm đi chi phí du học đáng kể.
Nhưng thật sự để làm được hoàn thiện một bộ hồ sơ đầy đủ là không dễ dàng. Có bạn làm hồ sơ đến hai, ba lần mà vẫn mắc phải những lỗi cơ bản. Vậy thì hãy tìm hiểu những lỗi cần tránh khi làm hồ sơ du học Úc nhé!
Những lỗi cần tránh mắc phải
- Giả mạo hoặc che giấu thông tin
Các bạn phải biết khai thông tin đúng sự thật là yêu cầu bắt buộc đầu tiên để làm một bộ hồ sơ du học Úc. Lãnh sự Úc có riêng một bộ phận chuyên để kiểm tra độ chính xác thông tin của hồ sơ. Nếu có bất kỳ sự che giấu hoặc giải mạo nào thì chắc chắn đơn xin visa du học Úc sẽ bị từ chối ngay lập tức. Có nhiều nước nếu phát hiện bằng cấp giả khi làm hồ sơ thì bạn sẽ bị liệt vào danh sách đen và không được xin visa nước đó nữa. Vì vậy hồ sơ tuy có xấu một chút nhưng thông tin chính xác thì khả năng được cấp visa của bạn vẫn như bình thường.
- Sai hoặc chữ ký không phải của ứng viên du học Úc
Dù bạn có đi du học ở bất kỳ nước nào không chỉ Úc thì mọi giấy tờ từ hộ chiếu, đơn xin thị thực, đơn xin cấp visa đều phải do chính đương đơn ký. Ngoài ra các chữ ký trên tất cả các giấy tờ đều phải giống nhau.
- Giấy tờ photo 2 mặt và không trên khổ giấy A4
Theo yêu cầu của cục xuất nhập cảnh thì tất cả các giấy tờ đều phải photo trên giấy 1 mặt và trên khổ A4, không chấp nhận các hình thức khác. Tuy đây là việc rất nhỏ nhưng nếu không chú ý thì rất dễ mắc phải.
- Giấy tờ công chứng quá hạn
Trường hợp này xảy ra khá thường xuyên, có bạn đã lên tại Lãnh sự để xin visa du học Úc mới phát hiện ra và bị từ chối lại phải làm lại. Tất cả các giấy tờ như giấy khai sinh, sơ yếu lý lịch, sổ hộ khẩu,… đều phải có công chứng của chính quyền địa phương hoặc các phòng công chứng. Không chấp nhận các bản sao công chứng. Ngoài ra, các giấy tờ trên thời gian không quá 6 tháng theo quy định của Lãnh sự Úc.
Những lỗi sai thường gặp
- Sai thông tin cơ bản trong các giấy tờ.
- Sổ hộ khẩu: Ghi sai thông tin các thành viên trong gia đình như giới tính, ngày tháng năm sinh, sổ hộ khẩu không có số, không có xác nhận công an xã, phường,…
- Giấy khai sinh: Lỗi thường gặp lớn nhất của giấy khai sinh là ghi sai tuổi bố, mẹ. Theo cách tính tuổi của người Việt Nam thì tuổi thường cộng thêm 1 tuổi được gọi là tuổi mụ, dẫn đến thông tin bị sai so với tuổi thật. Những lỗi hay gặp phải tiếp theo là thiếu số, nơi sinh không ghi đầy đủ xãm, huyện, tỉnh,…
- Học bạ và bằng tốt nghiệp: Ghi sai ngày tháng năm sinh của bản thân, nghề nghiệp trong học bạ không giống với xác nhận công việc và thu nhập của bố mẹ.
- Giấy tờ ngân hàng: Sổ ngân hàng không đủ số dư, sai tên và thông tin người bảo lãnh, không có tên chi nhánh hoặc văn phòng giao dịch,…Theo thông báo mới nhất của Lãnh sự Úc, học sinh muốn đi du học Úc cần có sổ tiết kiệm đứng tên bố mẹ hoặc bản thân và trong đó có ít nhất 40.000 – 50.000 USD.
- Tự dịch thuật giấy tờ.
Nhiều bạn có khả năng ngoại ngữ khá và tự tin, có thể dịch toàn bộ các giấy tờ sang ngôn ngữ anh đó cũng là một cách ghi điểm với Lãnh sự Úc, đồng thời giảm chi phí dịch thuật. Tuy nhiên, những giấy tờ như bằng tốt nghiệp, học bạ, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu,… thường dịch theo một hình thức nhất định. Vì thế phải tham khảo thật kỹ nếu không hồ sơ sẽ trở nên “lạc lõng” giữa những bảng điểm chuẩn mực.
Các điểm cần chú ý khi làm hồ sơ du học Úc
- Quá trình học tập, công tác không bị trống quá nhiều (dưới 06 tháng)
- Điểm học tập phải từ 6.0 trở lên, nếu đạt điểm giỏi thì càng tốt. Cần phải chuẩn bị tinh thần Lãnh sự Úc có thể gọi bất kỳ cho bạn lúc nào để phỏng vấn về các nội dung như thông tin trường, khóa học, điểm cấp 3, tài chính gia đình, lý do chọn Úc là điểm đến,…)
- Chọn ngành học ở các trường tại Úc: Phải phù hợp với quá trình học tập của học sinh tại Việt Nam. Nếu bạn chuyển ngành, phải giải thích rõ với lãnh sự vì sao quyết định chuyển ngành. Ngoài ra, bạn phải nói rõ ngành học ở Úc sẽ giúp ích gì cho bạn trong tương lai.
- Tiếng Anh: Không nên để thời gian học tiếng Anh của bản thân quá lâu. Thông thường con số lý tưởng sẽ là 5-30 tuần. Nếu bạn nào học yếu có thể học đến 50 tuần. Còn bạn nào tiếng anh quá yếu thì nên ở Việt Nam học thêm vì sẽ rút ngắn khóa học tiếng anh tại Úc đồng thời giảm thiểu chi phí).
- Hồ sơ gia đình: có một số bạn nhà tài chính rất mạnh nhưng lại khai bố mẹ làm ruộng. Vì thế phần này phụ thuộc nhiều vào sự khéo léo và khả năng tiếng Anh của người khai hồ sơ xin Visa cho các bạn. Vd: làm ruộng/làm rẫy/làm nông thì khai thành chủ nông trại/đồn điền.