Mách bạn chủ động cuộc sống khi du học Úc
Kỳ nhập học tháng 10 của Úc sắp đến rồi đó các bạn. Các đã bị chuẩn bị đầy đủ hành trang chưa?
Bạn đang ấp ủ gì cho những ngày tháng tới? Hãy tin rằng, một cuộc sống thú vị đang chờ đón bạn để bạn có những trải nghiệm tuyệt vời.
Để dễ dàng hòa nhập hơn
Đầu tiên, hãy tìm tới Facebook và Instagram của cộng đồng sinh viên quốc tế ở trường. Bạn sẽ hiểu thêm về các hoạt động, phong trào ở trường và cách thức xin tham gia. Hãy ghi chú cẩn thận các sự kiện để chắc chắn rằng bạn không bỏ qua một sự kiện quan trọng nào. Các câu lạc bộ sinh viên quốc tế là nơi bạn có thể gặp gỡ, làm quen với sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Đó là cơ hội lan tỏa văn hóa dân tộc mình và tìm hiểu thêm rất nhiều nền văn hóa khác.
Bạn có thể xin gia nhập hội tổ chức sự kiện và tìm kiếm cơ hội trở thành thủ lĩnh sinh viên. Điều này không phải là điều không tưởng nhé. Các trường học ở Úc thường tổ chức bầu cử định kỳ để tìm ra chủ tịch Hội sinh viên. Nếu bạn có khả năng và dám mơ ước, bạn có thể đặt ra mục tiêu cho mình.
Tìm một vài người bạn Việt Nam đã tham gia vào các hội sinh viên để học hỏi kinh nghiệm từ họ. Nhờ họ đưa bạn đi tham quan trường học, các khu mua sắm, khu ăn uống… Từ sự chỉ dẫn đó bạn cũng dễ dàng kết bạn hơn.
Tham gia các hoạt động tình nguyện tại địa phương cũng là gợi ý tuyệt vời để kết bạn. Từ các hoạt động đó bạn sẽ hiểu thêm về văn hóa bản địa, rèn luyện nhiều kỹ năng mềm và đặc biệt sẽ ghi điểm trong hồ sơ của bạn bởi các công ty đánh giá cao các kinh nghiệm và kỹ năng của các hoạt động ngoại khóa.
Tìm hiểu về các dịch vụ hỗ trợ như cảnh sát, cứu hỏa, xe cứu thương, chăm sóc sức khỏe…Hãy lưu các số điện thoại khẩn cấp để bạn có thể dùng tới khi cần thiết.
Úc có hệ thống bảo hiểm y tế đặc biệt dành cho sinh viên quốc tế gọi là Bảo hiểm Sức khỏe Sinh viên Nước ngoài (OSHC). Bạn sẽ mua thẻ OSHC trước khi đến Úc, qua đó bạn sẽ đăng ký khám chữa bẹnh tại các bệnh viện địa phương. Ngoài ra, OSHC của bạn sẽ giúp bạn thanh toán bất kỳ chi phí chăm sóc y tế hoặc viện phí tại bệnh viện.
Để quản lý tài chính khoa học hơn
Nếu bạn đã quen vào sự trợ giúp tài chính từ gia đình thì cuộc sống du học sẽ cho bạn cơ hội để bạn làm chủ tình hình tài chính của mình. Đầu tiên, hãy sống tiết kiệm, ưu tiên những khoản thiết yếu, cắt giảm những khoản thuộc về sở thích. Bạn có thể chia tiền thành các khoản khác nhau và cố gắng sử dụng đúng mục đích ban đầu.
Tìm hiểu thông tin học bổng của trường và các tổ chức giáo dục. Những phần học bổng có thể giá trị không lớn nhưng sẽ hữu ích cho tài chính của bạn, hơn nữa còn làm đẹp hồ sơ xin việc của bạn sau này.
Nếu quá khó khăn về tài chính, bạn có thể tìm đến phòng hỗ trợ tài chính của nhà trường để tìm một cách giải quyết thích hợp. Bạn đừng e ngại khi phải trình vày vấn đề của mình. Các trường học ở Úc luôn có những chính sách hỗ trợ cho sinh viên để đảm bảo rằng sinh viên không bị điều gì làm ảnh hưởng đến quá trình học.
Tìm một công việc làm thêm ở thư viện trường, quán cafe, nhà hàng hay giúp việc gia đình. Chính phủ Úc quy định tiền lương sẽ nhận qua hệ thống ngân hàng với mã số thuế cá nhân, vì vậy bạn cần phải mở một tài khoản ngân hàng. Điều này đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tránh những tranh chấp về tiền bạc khi chỉ có những thỏa thuận bằng miệng.
Để bắt kịp nhịp học
Muốn làm tốt việc gì bạn cũng phải tìm động lực và nuôi dưỡng nhiệt huyết cho mình. Động lực là mục tiêu ngành nghề của bạn hướng tới. Hãy chắc chắn rằng, mọi việc bạn làm đều phục vụ cho mục tiêu này. Bắt đầu cuộc sống du học sẽ không dễ dàng, bạn sẽ gặp nhiều vấn đề về ngôn ngữ, giao tiếp, tài chính,… Để giữ được tinh thần, hãy tìm tòi học hỏi những điều cần thiết cơ bản để giảm bớt các áp lực. Nếu bạn muốn đi đâu, hãy chủ động tìm bản đồ, phương tiện trước, đừng để đến lúc đứng lơ ngơ giữa đường không biết mình phải làm gì. Đơn giản nhất, là hãy tìm hiểu thông tin thời tiết trước khi bước ra khỏi nhà, để bạn không bị ướt khi bất ngờ gặp trời mưa.
Phương pháp giáo dục ở Úc và Việt Nam sẽ rất khác biệt. Bạn nên lưu ý một số các thức nhỏ để giúp cho việc học của bạn trở nên đơn giản hơn, bắt kịp nhịp học của các bạn trong lớp.
– Tập cách ghi chú những điều quan trọng trong bài giảng. Thay vì ghi chép, bạn nên gạch đầu dòng những nội dung quan trọng, tập trung vào việc nghe giảng hơn. Về nhà, hãy ôn bài ngay. Đừng có suy nghĩ rằng để đến khi thi mới học một lần. Nếu học theo cách đó bạn sẽ bị tụt lại phía sau rất nhanh.
– Việc học hay không là trách nhiệm của bạn, không phải là trách nhiệm của giáo viên. Sẽ không có những giờ kiểm miệng hoặc kiểm tra vở bài tập về nhà. Bạn sẽ không bị ám ảnh bởi điểm số nhưng phải rất nỗ lực để tự hoàn thành các môn học.
– Thường xuyên làm các bài luận dài. Đừng quá lo lắng khi bạn nhận được yêu cầu làm các bài luận dài. Nếu bạn chú tâm nghe giảng và ôn bài hàng ngày thì việc hoàn thành bài luận sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nếu quá khó khăn hãy tìm sự giúp đỡ từ bạn bè hoặc giáo viên.
– Tích cực tham gia vào những buổi hội thảo, bạn sẽ có cơ hội học hỏi nhiều hơn.
– Các trường ở Úc rất khuyến khích sinh viên nghiên cứu và tham gia vào các nhóm nghiên cứu. Sinh viên có thể tìm tài liệu, viết bài hoặc đóng góp ý tưởng. Muốn đăng ký tham gia vào một chương trình nghiên cứu, bạn có thể làm như sau:
+ Lên website của trường hoặc sử dụng Google Scholar để tìm các công trình nghiên cứu.
+ Hỏi các giảng viên về các nghiên cứu của họ và xin tham gia. Dành thời gian ngiên cứu tài liệu và kết quả nghiên cứu của họ.
+ Gửi email cho giảng viên hoặc các nhà nghiên cứu bày tỏ nguyện vọng và trình bày ý tưởng của bạn. Thư thể hiện được điểm mạnh của bản thân để họ thấy là bạn phù hợp với công việc đó.
+ Xin trợ giúp nhóm nghiên cứu
Để có những trải nghiệm thú vị nhất
Mỗi kỳ học ở Úc kéo dài từ 12 đến 14 tuần, sau đó sinh viên được nghỉ giữa học kỳ. Đây sẽ là khoảng thời gian lý tưởng để bạn thực hiện các chuyến đi như mong đợi. Tùy vào túi tiền của bạn mà bạn có thể chọn phương tiện di chuyển phù hợp như xe bus, xe lửa, máy bay,… Bạn có thể ghé qua phòng hỗ trợ sinh viên để xin các tờ rơi về các điểm tham quan nổi tiếng.
Nếu không muốn đi xa, bạn có thể đi quanh thành phố bằng xe đạp, hoặc đi cắm trại ở vùng ngoại ô. Bảo tàng, triển lãm nghệ thuật, hội chợ là những gợi ý hay cho bạn để sử dụng thời gian cho những ngày cuối tuần.